Quá trình xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng thời kỳ thuộc Pháp diễn ra với quy mô và tốc độ ngày càng lớn. Trong giai đoạn đầu gắn liền với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1888 - 1918), việc đô thị hóa chỉ tiến hành ở những bước đầu tiên, chủ yếu là cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho cơ cấu chính quyền thực dân, một lực lượng quân sự và một số nhà tư bản Pháp hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng. Bộ mặt thành phố dần dần có những thay đổi bởi sự hiện diện ngày càng nhiều công trình nhà ở, các công sở theo lối kiến trúc Pháp. Hệ thống đường sá, nhà ga xe lửa hay sân bay được trang bị ở mức tối thiểu nhằm phục vụ cho số ít kẻ đi cai trị. Thành phố bên bờ sông Hàn đang dần mang diện mạo của mô hình phố phường Tây phương khá độc đáo nhưng lạ lùng đối với người bản xứ.
Sau Thế chiến thứ I đến 1945, thực dân Pháp tăng cường đầu tư và vơ vét thuộc địa, Đà Nẵng cũng có cơ hội mở mang hơn trước. Hoạt động kinh doanh của các nhà tư bản Pháp có chi nhánh tại Đà Nẵng đã nhanh chóng thâu tóm nguồn lợi thành phố. Bên cạnh, giới thương nhân người Hoa và một số tư sản Việt Nam cũng đua nhau làm giàu. Về mặt xã hội, thành phố xuất hiện một số tầng lớp thị dân mới ngày càng đông đảo. Lối sống Châu Âu ngày càng thâm nhập sâu rộng vào đời sống người dân, những làng quê nghèo với những ngôi nhà lụp xụp nay đã nhường chỗ cho một đô thị sầm uất ngựa xe.
Tuy nhiên, công cuộc đô thị hóa Đà Nẵng ngay từ đầu đã nằm trong mục tiêu khai thác và bóc lột xứ thuộc địa An Nam. Do đó, bộ mặt thành phố Đà Nẵng có sự đối lập sâu sắc và bị hạn chế. Có thể thấy rõ trong việc xây dựng cơ sở: “những công trình kiến trúc Pháp đầu thế kỷ có phong cách trang nghiêm đáp ứng mục đích phô trương của bọn thống trị… Bọn thực dân không thể không chú trọng đến hình thức kiến trúc để tuyên truyền công trình khai hóa của chúng và làm một phương tiện xoa dịu tinh thần dân tộc của nhân dân thuộc địa đang thức tỉnh” [39:245].
Đà Nẵng là thành phố đầu tiên được xây dựng theo mô hình thành phố phương Tây, một thành phố đang lên của cả xứ Trung Kỳ. Nhưng rõ ràng qua bức tranh thực trạng đầy mâu thuẫn, đối lập trong quá trình phát triển thành phố, chúng ta đã phần nào hình dung ra được địa vị cư trú giữa kẻ thống trị với người dân bản xứ và giữa hai bờ tả hữu ngạn sông Hàn, theo đó khu biệt cả lối sống, mức sống vật chất và tinh thần của thị dân. Vì vậy bức tranh đô thị hóa chỉ là “một số đường kẻ ô, một vài phố thương nhân và nổi lên nhất là trụ sở các cơ quan bộ máy thống trị và một số biệt thự, đó là tất cả bộ mặt của thành phố Việt Nam dưới ách thống trị Pháp. Họ cũng đã khai thác thiên nhiên nhiệt đới, dùng cây và hoa lá để tô điểm cho đường phố, che đậy sự nghèo nàn của thành phố thuộc địa” [39:239].
Khép lại bức tranh thực trạng Đà Nẵng dưới thời thuộc Pháp là sự hiện diện một khu trung tâm thành phố với vẻ hào nhoáng, phóng đãng được bao quanh bởi những làng quê nông thôn nghèo nàn, xơ xác. Thị dân của thành phố vẫn có thói quen sống trong các làng quê, với tính dân đã tùy hứng ở thôn quê, vẫn là những người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hơn là giao lưu buôn bán của thành thị và sản xuất trong các nhà máy, cơ sở kinh doanh ở thành phố.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: