ĐẶNG THUỲ TRÂM CỦA THỜI HIỆN ĐẠI
Mấy hôm nay, xem ti vi, đọc báo mạng thấy hình ảnh những Bác sĩ, Điều dưỡng của thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Định tình nguyện đến thành phố Đà Nẵng tham gia phòng chống và dập dịch Covid-19, tôi lại nhớ đến hình ảnh Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm vào những năm kháng chiến chống Mỹ trong cuốn Nhật ký mang tên chị
Whitehurst, Robert Whitehurst, chính xác là 35 năm kể từ ngày chị hi sinh vào năm 1970, khi ấy chị chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng, 3 năm tuổi nghề. Chị Trâm, sinh ra trong một gia đình truyền thống ngành Y, bố là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là Dược sĩ – nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, chị Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
Chị Thuỳ Trâm là một bác sĩ còn rất trẻ, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, vừa mới ra trường đã xung phong vào nơi tuyến lửa ác liệt của đất nước lúc bấy giờ. Sinh ra trong một gia đình trí thức, là con gái Hà thành chính gốc, chắc hẳn chị chưa phải trải qua những gian khó như ở những vùng quê khác, với lại chiến trường miền Bắc lúc bấy giờ bình yên chứ không ác liệt như trong miền Nam,...Vậy, lẽ ra chị có thể ở lại Thủ đô, công tác ở một bệnh viện lớn, lại được gần gũi gia đình và, chị sẽ có một hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng không, chị đã chọn xung phong vào chiến trường B đầy ác liệt, nơi giữa sự sống và cái chết có ranh giới hết sức mong manh, ngay cả tình cảm riêng tư, những rung động đầu đời mà ai cũng có quyền được hưởng, chị cũng gác qua một bên.
Vậy điều gì khiến bác sĩ trẻ Thuỳ Trâm đã lựa chọn như thế?
Hãy thử nghe lời mà hai người cựu binh là lính thám báo Mỹ trong bức thư gửi người mẹ của liệt sĩ xem họ đánh giá như thế nào về chị Thuỳ Trâm: “Trên bất cứ đất nước nào trên thế giới, điều đó đều được gọi là anh hùng”. Chính con người Đặng Thuỳ Trâm mà họ biết được qua cuốn nhật ký đã ám ảnh để rồi họ thấy rằng, cần có trách nhiệm cất giữ nó như một số phận. Và, cái điều mà họ bị ám ảnh mãi đó chính là: Người bác sĩ này không chỉ cứu sống những thương binh mà còn đứng ra cầm súng để bảo vệ những thương binh và đã ngã xuống như một người lính thật sự.
Và, có lẽ, chúng ta chẳng cần phải lý giải nhiều, để thêm phần khách quan, chắc chỉ cần đọc thêm những dòng thư mà người cựu binh bên kia chiến tuyến Robert viết cho mẹ của chị Thuỳ Trâm ngày 28 – 05 – 2005 sẽ rõ:
“Khi rời Hà Nội để dấn thân vào cuộc chiến, Thuỳ chưa biết chiến tranh là thế nào. Hơn ba năm ở Đức Phổ, những điều chị viết trong nhật ký đã thay đổi, chị đã trưởng thành. Những điều chị học được càng củng cố vững chắc thêm lòng quyết tâm đã được gia đình nuôi dưỡng từ nhỏ. Chị học được những điều mà tất cả chúng ta đều cần phải học...Những bài học về danh dự, những bài học về lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm, những bài học về sự tận tuỵ với lý tưởng, và những bài học mà chị đã nêu lên một tấm gương về tình yêu đối với mọi người, với cái đẹp và với con người...”. Và, Robert khẳng định: “Con số các trận đánh và sự chăm sóc của chị đối với các thương binh làm chúng ta trở nên xoàng xĩnh...”
Đây nữa, ngay trong những dòng tâm sự hết sức chân thành, cảm động được chị Trâm ghi lại trong Nhật ký:
“14.7.69 Hôm nay là ngày sinh của ba, mình nhớ lại ngày đó giữa bom rơi đạn nổ, mới hôm qua một tràng pháo bất ngờ đã giết chết năm người và làm bị thương hai người. Mình cũng nằm trong làn đạn lửa của những trái pháo cực nặng ấy. Mọi người còn chưa qua cái ngạc nhiên lo sợ, vậy mà mình vẫn như xưa nay, nhớ thương lo lắng và suy tư đè nặng trong lòng. Ba má và các em yêu thương ở ngoài đó làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên có ân hận gì đâu!..."
Vậy đó, rất nhiều và rất nhiều những con người như bác sĩ Thuỳ Trâm, những con dân của nước Việt Nam trong các cuộc chiến tranh vệ quốc đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Và, cho dù họ biết trước cái chết sẽ gọi tên mình nhưng vẫn không hề run sợ, miễn sao là họ thực hiện được lý tưởng cao cả của mình đánh đuổi được kẻ thù xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc, để đồng bào được hưởng cuộc sống hoà bình, hạnh phúc, ấm no.
Tôi nhớ, cùng thời điểm cuốn sách “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” ra đời, ngay tại thành phố Đà Nẵng, lúc bấy giờ, ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư Thành uỷ đã tổ chức một cuộc đối thoại với những cán bộ viên chức theo diện thu hút nguồn nhân lực của Thành phố để giải quyết những tâm tư nguyện vọng của cán bộ viên chức nhằm để họ yên tâm công tác cũng như phát huy tốt chính sách mà Thành phố đang thực hiện. Trong buổi đối thoại ấy tôi có tham dự từ đầu đến cuối. Trong buổi đối thoại này, ông Thanh cũng đã nhắc đến cuốn Nhật ký của chị Trâm. Để lan toả đến các bạn trẻ, cuối buổi, tôi nhớ không nhầm là ông đã tặng cho các cán bộ công chức 100 cuốn sách “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” được mua từ tiền cá nhân của ông.
Trở lại với hiện tại, hôm qua đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lan toả hình ảnh các Y Bác sĩ, nhân viên Y tế các địa phương như thành phố Hải Phòng, tỉnh Bình Định đã xung phong lên đường đến Đà Nẵng nơi đang là tâm dịch Covid-19 để góp phần cùng thành phố Đã Nẵng phòng chống và sớm đẩy lùi dịch bệnh đem lại bình yên cho nhân dân Đã Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Họ là những người còn rất trẻ, có những nữ Bác sĩ, Điều dưỡng họ còn con nhỏ đang trong thời kỳ chưa cai sữa, có người còn cha mẹ già nhưng họ không nề hà, ngần ngại hay run sợ trước kẻ thù vô hình đầy hiểm nguy và cái chết cũng sẵn sàng rình rập họ. Có nữ Điều dưỡng nghe lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương và bệnh viện nơi mình công tác đã sẵn sàng ghi danh và gọi về cho chồng: “Em vào Đà Nẵng tham gia phòng chống dịch anh nhé”. Nghe chồng trả lời: “Em cứ đi, ở nhà mọi chuyện đã có anh lo”. Chị vui và sung sướng biết nhường nào. Có nam Bác sĩ khi được hỏi về suy nghĩ như thế nào khi đến Đà Nẵng tham gia phòng chống dịch sẽ đối diện với rất nhiều hiểm nguy và chưa biết khi nào kết thúc, họ đã không ngần ngại trả lời: “Chúng tôi lên đường nhận nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao nhất để cùng với thành phố Đà Nẵng sớm đẩy lùi dịch bệnh và chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi hết dịch bệnh chứ không bỏ về giữa chừng.”
Và, rất nhiều Y Bác sĩ, nhân viên Y tế khác nữa trong các bệnh viện, trung tâm Y tế đang ngày đêm quên ăn, quên ngủ để điều trị bệnh nhân, chiến đấu với kẻ thù mang tên Covid-19. Ôi! Cảm động biết bao những người chiến sĩ áo trắng - những chiến binh thầm lặng ngay trong thời bình này. Họ là những Y Bác sĩ, những nhân viên Y tế ngày nay tiếp nối truyền thống cao đẹp của ông cha đã bao đời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Họ chính là hình ảnh của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đây chứ còn đâu.
Xin được dành tặng những chiến sĩ áo trắng mấy câu thơ:
“Những chiến binh áo trắng thầm lặng
Đặng Thuỳ Trâm của thời hiện đại
Biết hy sinh nhưng không ngần ngại
Cho nhân dân, cho đất nước yên bình.”
Đà Nẵng, 07/08/2020 - ngày thứ 11 thực hiện giãn cách xã hội và ngày thứ 15 phát hiện dịch Covid-19.
-Đặng Phúc Hậu-
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: