Với thời lượng chương trình được thiết kế quá ít trong tổng chương trình đào tạo của ngành học; tâm thế sinh viên đối phó vì đây vừa là học phần “khó nuốt”, vừa lại xa lạ với ngôn ngữ hiện đại; giáo trình, tài liệu tham khảo không nhiều, hiếm, cũ… nên Hán Nôm là bộ môn không tạo sự hấp dẫn cho người học. Tuy nhiên vai trò của nó trong đời sống thực tế đời sống cũng như việc tạo chìa khóa giải mã cho những tiếp cận nghiên cứu ở các lĩnh vực văn học, lịch sử, báo chí ….là không thể phủ nhận. Bài viết dưới đây chia sẻ một số phương pháp dạy và học môn Hán Nôm đối với ngành không chuyên trong khối Khoa học Xã hội và Nhân văn nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất, cải thiện tình trạng hiện nay.
3. Đề xuất giải pháp với việc dạy và học môn Hán Nôm với các ngành thuộc khối Khoa học Xã hội và Nhân văn
Việc giảng dạy Hán Nôm luôn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như đội ngũ giảng viên đảm nhận bộ môn này. Giáo sư Phan Ngọc đã từng viết “Việc trí thức Việt Nam không chịu học chữ Hán là một tổn thất nặng nề”. Việc trang bị kiến thức Hán Nôm cho sinh viên trong ngành Khoa học Xã hội Nhân văn là cần thiết. Bằng vốn hiểu biết, sự tâm huyết cũng như kinh nghiệm của bản thân, tôi xin đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy và học môn Hán Nôm.
3.1. Giải pháp cho người dạy bộ môn Hán Nôm
Đóng vai trò là một người mang sứ mệnh truyền thừa văn hóa và để không “giảng dạy theo cách … tung hỏa mù” biến “Hán Nôm trở thành một môn học “kinh hoàng”, một trò tra tấn tinh thần đối với sinh viên” như lời của ông Trần Trọng Dương – nghiên cứu viên viện nghiên cứu Hán Nôm, để đổi mới phương pháp giảng dạy, theo tôi giảng viên cần:
a. Biên soạn giáo trình riêng cho từng chuyên ngành dạy
Hiện nay giáo trình Hán Nôm chuẩn được đưa vào giảng dạy là những bộ giáo trình biên soạn trước năm 1995. Vì đây là những giáo trình của các cây đa cây đề trong giới Hán Nôm nên người sau thường lấy giáo trình đó đưa vào giảng dạy. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm cho sinh viên không thấy được vai trò của môn Hán Nôm với lĩnh vực chuyên môn của mình. Vì vậy, để giảng dạy môn Hán Nôm cho ngành không chuyên, người dạy cần biên soạn giáo trình riêng biệt cho từng chuyên ngành.
Đối với ngành văn học, giáo trình chuyên biệt này chú trọng giải mã văn bản, thơ văn của Văn học Trung đại Việt Nam và thơ văn Trung Quốc.
Đối với ngành Ngôn ngữ, Báo chí, giáo trình chuyên biệt cần tập trung giải mã từ và ngữ bằng chữ Hán, giải mã để điển chế những danh từ chuyên môn giúp sinh viên vận dụng được tiếng Việt một cách chính xác.
Đối với ngành Văn hóa – Du lịch, người dạy cần soạn giáo trình chuyên về địa danh, lịch sử, văn hóa của từng địa danh đó, đọc và giảng nghĩa một số loại văn bản Hán Nôm trên các công trình di tích văn hóa. Giáo trình như vậy sẽ giúp sinh viên nhận thức được ý nghĩa của việc học Hán Nôm với chuyên ngành của mình.
Trường hợp tại Đà Nẵng, để giảng dạy Hán Nôm cho các khối ngành Văn học – Văn hóa Du lịch, TS Nguyễn Hoàng Thân biên soạn riêng từng sách, giáo trình như Tài liệu học tập chữ Nôm (2011); Đà Nẵng – miền Trung những vấn đề lịch sử văn hóa – văn hóa (2017); Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng (2018)…
Việc biên soạn giáo trình riêng biệt này đòi hỏi giảng viên có trình độ nghiên cứu và năng lực dịch thuật. Có được giáo trình chuyên biệt sẽ tạo hứng thú cho người học vận dụng vào chuyên ngành của mình.
b. Truyền thừa văn hóa chính là truyền lửa
Để tạo hứng thú cho người học, người dạy trước hết phải là người có hứng thú.
Kiến thức về Hán Nôm mênh mông vô tận, dạy Hán Nôm với sinh viên không chuyên nếu nói về truyền kiến thức thì thực sự chỉ là đem một hạt cát gieo vào giữa sa mạc. Vì vậy nhiệm vụ của người dạy là truyền lửa, tạo cho các em sự hứng thú bằng chính niềm say mê của mình. Khi có hứng thú thì các em sẽ tự nghiên cứu, tự mày mò tìm hiểu. Bản thân tôi khi dạy học phần này cho sinh viên trong 12 năm qua, điều tôi xác định cần làm được cho các em và neo đậu vào tâm thức các em chính là cho các em hiểu: giá trị của Hán Nôm với chuyên ngành của mình, phương pháp để nắm bắt được kiến thức này và cần phải làm việc bằng sự say mê.
c. Không dạy theo kinh viện, hàn lâm mà gắn với thực tế
Tư tưởng Khổng Mạnh về chính trị nếu chỉ giảng qua Tứ thư thì sinh viên sẽ thấy vô cùng xa lạ. Thế nhưng khi giảng, “孟 子 曰: 民 為 貴,社 稷 次 之,君 為 輕。”(Mạnh tử viết: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh – dịch: Mạnh tử nói: Dân là quý nhất, xã tắc xếp thứ 2, vua là nhẹ nhất (trong ba điều ấy)) và gắn phân tích tư tưởng Nguyễn Trãi khi viết trong thơ văn “ Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” hay “ Lật thuyền mới biết dân là nước” cho sinh viên ngành Văn học thì các em mới thẩm nhận được.
Một sinh viên ngành văn hóa du lịch chỉ được nghe nói về Hán Nôm là công cụ không thể thiếu được trong công tác bảo tồn văn hóa và khai thác di sản không bao giờ hứng thú bằng việc đưa các em đến những điểm du lịch có yếu tố Hán Nôm. Đến một ngôi chùa, đọc và phân tích cho các em hiểu ý nghĩa tên chùa đó; đến một lăng miếu, chỉ dẫn cho các em về lịch sử, ý nghĩa khi đọc một văn bia… Đó là cách dạy tạo hứng thú nhất cho người học.
Dạy Hán Nôm trong thời đại hiện nay, không thể dạy theo kinh viện, hàn lâm mà phải gắn với thực tế, với điền dã cho từng chuyên ngành.
d. Sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin
Ngày xưa khi chưa có công nghệ thông tin, khi dạy Hán Nôm việc chép từ, phiên âm, dịch nghĩa chiếm thời gian quá lớn trong khi dạy. Khi tôi còn là sinh viên, tôi nhớ có buổi học thầy giáo dạy một bài văn bia, thầy chép lên bảng, chúng tôi ngồi chép lại vào vở, chép xong hết giờ của buổi học đó. Ngày nay, khi công nghệ thông tin đã phát triển, dù Hán Nôm là môn học mang tính cổ xưa nhưng vẫn cần thiết vận dụng tiện ích công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Cụ thể trong việc sử dụng tiện ích này chính là lưu trữ và cài đặt phần mềm Hán Nôm cho phông chữ, từ điển và số hóa tài liệu để khi cần giới thiệu cho sinh viên tự tìm kiếm.
Trong quá trình giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin để trình bày bài giảng. Ví dụ thay vì thuyết giảng ý nghĩa từng câu chữ thì chiếu video về chiết tự chữ . Thay vì giảng lịch sử một địa danh thì yêu cầu sinh viên chọn địa danh có yếu tố Hán Nôm, tập làm thuyết minh viên, quay vi deo, trình chiếu và giảng viên đánh giá.
Video sử dụng để giảng dạy khi hướng dẫn về cấu tạo của chữ Hán
3.2. Giải pháp cho người học môn Hán Nôm
Cùng một chương trình, của phương pháp chuyển tải nhưng không phải khóa học nào và sinh viên nào cũng có kết quả như nhau. Với kinh nghiệm của bản thân từ khi còn là sinh viên cũng như qua quan sát và đánh giá sinh viên, tôi rút ra những giải pháp để tiếp cận được bộ môn Hán Nôm như sau:
1. Học phương pháp học để nắm bắt chứ không phải là chăm chỉ học thuộc
2. Học chữ thông qua chiết tự thay vì mày mò viết đi viết lại
3. Bắt buộc nắm căn bản rồi tự học thông qua tự điển, tài liệu mạng
4. Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số cho việc học
5. Gắn kiến thức vào thực tế chuyên ngành và thực hành từ chuyên ngành học
6. Xác định rõ mục tiêu và đam mê với mục tiêu đó
Kết luận
Trên đây là một số đề xuất trong việc dạy và học môn Hán Nôm cho sinh viên không chuyên trong khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay. Những vấn đề trình bày trên xuất phát từ tâm huyết cũng như kinh nghiệm của cá nhân với mong muốn góp phần nhỏ vào đào tạo có chất lượng và kích thích hứng thú cho người học khi học môn Hán Nôm trong trường đại học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Thị Ngọc Hoa (2010), “Dạy từ Hán Việt trong nhà trường góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc: Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, tr 220 – 225
2. Đoàn Lê Giang (2010), “Phương pháp dạy chữ Hán trong nhà trường – một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc: Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, tr 179 – 187
3. Nguyễn Khuê (1996), “Vấn đề dạy và học Hán Nôm”, Báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học: Ngành đào tạo Hán Nôm – thực trạng và giải pháp
* Wedsite:
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/han-nom-hoc-khoa-hoc-lien-nganh-de-phat-trien-dat-nuoc-97186.html
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/han_nom_van_hoa_viet_nam_hom_nay-a.html
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: