Với Phan Thị Thanh Nhàn, giữa thơ và đời dường như không có khoảng cách rõ rệt, thơ là những trang đời của chính bà. Thơ bà dịu dàng, lắng đọng, cảm xúc chân thực nên dễ neo đậu trong lòng người đọc. Hơn bốn mươi năm cầm bút, Phan Thị Thanh Nhàn đã dâng tặng cho đời những tứ thơ ngọt ngào. Ngoài làm thơ, bà còn viết báo, sáng tác thơ và truyện cho thiếu nhi…; bà còn cho ra đời tập chân dung văn học Sự cực đoan đáng yêu. Nhưng với riêng thơ, Thanh Nhàn là một người cầm bút hạnh phúc. Tất cả những niềm vui nỗi buồn, những hạnh phúc, khổ đau đều được thơ trải hết. Thơ ca chính là người bạn thủy chung, là một cõi đi về êm đềm nhất khi tâm hồn bà mỏi mệt.
Sự giàu có của tâm hồn và bản lĩnh người cầm bút là những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với một hồn thơ. Nếu tâm hồn giàu cảm xúc, dễ đồng cảm, trí tưởng tượng phong phú và ý thức sáng tạo...lại gắn bó với một cuộc đời thực luôn được bồi đắp từ cuộc sống xung quanh – đấy là điều kiện để xuất hiện một tài năng thơ. Đối với Phan Thị Thanh Nhàn, tài năng là sự cộng hưởng của những yếu tố ấy.
Hành trình “từ chân trời một người đến chân trời tất cả” (Pôn Êluya) của Phan Thị Thanh Nhàn cũng đồng thời là hành trình của cái tôi trữ tình hòa nhập cảm hứng với bước đi của thời đại bằng tâm hồn giàu cảm xúc, khao khát yêu thương. Đồng thời đó cũng chính là hành trình tìm kiếm cái diện mạo chân thật của bản ngã. Đấy là một hành trình dài dặc, không mệt mỏi của thi nhân, bởi nó cũng là hành trình truy tìm ý nghĩa của cuộc sống, của khát vọng và lí tưởng. Hành trình sáng tạo của Phan Thị Thanh Nhàn thể hiện một niềm đam mê, một nỗi khát khao cháy bỏng được bộc lộ, tâm tình. Từ Tháng giêng hai (Thơ in chung, 1969) đến Bài thơ cuộc đời (1999) là một quá trình phát triển liên tục của thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Có thể nói qua sáu tập thơ được xuất bản, Phan Thị Thanh Nhàn đã hình thành một phong cách có bản sắc. Chắt chiu gần cả cuộc đời, Phan Thị Thanh Nhàn đã dâng tặng cho đời những vần thơ đằm thắm, tươi nguyên mà chân thành, mộc mạc. Có thể chia hành trình sáng tạo của thơ Phan Thị Thanh Nhàn thành hai giai đoạn: giai đoạn trước năm 1975 và giai đoạn sau năm 1975.
1. Giai đoạn trước năm 1975
Năm 1969 là cái mốc đánh dấu sự xuất hiện của Phan Thị Thanh Nhàn trên thi đàn khi bà viết Những búp bàng - tập thơ in chung với Hoàng Thị Minh Khanh và Thúy Bắc. Tập thơ đầu lòng với cái tên rất trẻ: Tháng giêng hai, đã từng bước định hình bản sắc thơ của Phan Thị Thanh Nhàn. Ở giai đoạn đầu này, ngòi bút Phan Thị Thanh Nhàn chủ yếu đi vào khai thác tâm trạng của chính bản thân và cuộc sống muôn màu vẻ quanh mình. Hơn mười bài thơ in trong thi phẩm nằm gọn trong mảng đề tài này. Dù ở đấy đôi khi Thanh Nhàn có gợi đến cuộc sống chung rộng lớn: một Hà Nội kiên cường trong đánh Mỹ hay hình ảnh những cô gái đập đá phá bom mở đường cho đoàn xe ra tiền tuyến, những người con gái “sửa đường một đêm thành liệt sĩ” rất gan dạ, anh hùng mà cũng rất đỗi hồn nhiên. Tiếng thơ của Phan Thị Thanh Nhàn trong tập Tháng giêng hai chỉ thật sự cuốn hút người đọc ở sự nhạy cảm, tinh tế, bắt nhịp được những nét vốn rất bình dị của cuộc sống và chuyển hóa thành thơ. Hình ảnh một cái bản mới ở vùng cao dưới cái nhìn của Phan Thị Thanh Nhàn trở nên nên thơ và hữu tình:
Bản mới nằm nghiêng bên suối trong
Vườn ai luống cải đã lên vồng
Sân nhà lốm đốm hoa cam trắng
Rào thưa xanh mượt lá trầu không
(Bản mới)
Chỉ bằng vài nét chấm phá giản đơn từ một đôi chi tiết ở một bản mới vùng cao, Phan Thị Thanh Nhàn đã gợi được không khí yên bình, tươi đẹp của cuộc sống con người nơi miền Tây Bắc Tổ quốc. Khi nhà thơ có sẵn trong lòng một tâm tình xúc động thì chỉ cần một thoáng gợn của đời sống cũng đủ làm ngân lên trong tâm hồn thi sĩ những sợi dây thính nhạy của cảm xúc. Ngắm nhìn một đóa hoa mặt trời vừa nở, hồn thơ Thanh Nhàn không khỏi ngạc nhiên trước sức sống mãnh liệt của cánh hoa mỏng manh:
Ôi đóa hoa đầu tiên
Nở tròn trong gió lạnh
Mỏng manh và tươi tắn
Đỏ muôn tia mặt trời
(Hoa mặt trời).
Ta bắt gặp trong Tháng giêng hai hình ảnh người con gái ở lứa tuổi xuân thì hồn nhiên, mơ mộng. Ở tập thơ này Phan Thị Thanh Nhàn có nói đến tình yêu, nhưng là tình yêu thơ mộng, trong sáng của buổi đầu. Cô gái đang yêu trong thơ giàu mơ ước, cảm biết được cái đẹp, cái thi vị của tình đầu: “Tiếng mưa nghe cũng mặn mà/ Bâng khuâng: mới gặp hay là đã quen ?” (Gặp). Nhà thơ trẻ Phan Thị Thanh Nhàn đã diễn tả tinh tế tâm trạng của cô gái lần đầu hẹn hò:
Cầm tay anh lần ấy
Tôi xấu hổ cúi đầu
Cửa đừng nghe trộm đấy
Tôi chả bằng lòng đâu
(Cửa nhà tôi)
Đấy là sự bẽn lẽn thường gặp ở người con gái khi tình yêu vừa chớm nở. Tất cả những cung bậc ấy, đều được Phan Thị Thanh Nhàn diễn tả tài tình trên từng trang viết.
Ta tìm được trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn buổi đầu một sự suy nghĩ kín đáo và một tiếng nói có sức vang vọng. Sau những lời nói thông thường của một người mẹ, một người vợ, một đứa con, ta nghe được lời cắt nghĩa hạnh phúc, ý nghĩa cuộc đời những lúc chia ly, xa cách. Tập thơ là tiếng lòng của một người phụ nữ đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người. Chính vì vậy, tiếng thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đã sớm chiếm được sự cảm tình của đông đảo độc giả ngay lúc bà mới xuất hiện trên thi đàn. Phong Vũ đã từng trân trọng ghi nhận những thành công đầu tiên của Phan Thị Thanh Nhàn: “Thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhẹ nhàng, thanh thoát dù bằng thể thơ lục bát hay thơ 5 chữ, thơ 7 chữ hay thơ tự do. Sự lựa chọn hình ảnh, ngôn ngữ, cách diễn đạt, qua tứ thơ chứng tỏ chị có nhiều tìm tòi và gọt giũa” [60 – tr.108].
Ghi dấu ấn từ những năm 1969 với phần Những búp bàng trong tập Tháng giêng hai, nhưng nhìn chung thơ Phan Thị Thanh Nhàn “vẫn chưa nhiều sức nặng”, vẫn còn lẫn trong thơ của nhiều người. Phải đến khi ba bài thơ Hương thầm, Xóm đê, Bản mới được giải nhì trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 - 1970, Thanh Nhàn mới vượt lên, bộc lộ hết vẻ đặc sắc của riêng mình. Hương thầm là bài thơ viết về tình yêu của tuổi học trò, lứa tuổi mà tình yêu chỉ là một thứ bâng khuâng, hình như có mà hình như không, rất đằm thắm thiết tha mà cũng có cái gì thiếu hụt: “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”. Tình yêu ấy ở trong trạng thái “nửa mờ nửa tỏ”, vậy mà mãnh liệt và sâu sắc biết bao. Hương thầm, chính vì vậy xứng đáng là một trong những bài thơ tình hay nhất không chỉ của giai đoạn chống Mỹ mà của cả thơ ca đương đại Việt Nam.
Ba bài thơ đạt giải và nhiều bài thơ khác trong tập Hương thầm, năm 1973, đã đánh dấu sự nhuần nhị trong bút pháp của Phan Thị Thanh Nhàn. Bên cạnh nét tinh tế, kín đáo quen thuộc khi viết về cuộc sống đời thường trong tập Những búp bàng, thơ Phan Thị Thanh Nhàn lúc này tạo được sự mới lạ với nhiều tứ thơ rung động, nhiều hình ảnh đẹp, mang âm hưởng hào hùng của cả dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với trái tim nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, Phan Thị Thanh Nhàn nhận rõ trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, với quê hương Hà Nội. Bà dành cho quê hương với tất cả những tình cảm yêu quí và lòng tự hào sâu sắc, đặc biệt là xóm đê nghèo Yên Phụ - mảnh đất đã ươm mầm cho hồn thơ Thanh Nhàn nở rộ.
Trong tập thơ Hương thầm, ta thấy Phan Thị Thanh Nhàn mở rộng hơn tầm nhìn, cố gắng thu nhận thêm nhiều dáng vẻ của cuộc sống chiến đấu và lao động. Tập thơ đem đến cho người đọc những mẫu người đẹp, tiêu biểu của thời đại. Bà xúc động trước một tập ảnh sư đoàn, rất nhiều những chân dung giản dị, mỗi người một vẻ, hợp thành gương mặt sư đoàn chiến thắng: “Nhưng tất cả đã làm nên một gương mặt anh hùng/ Gương mặt của sư đoàn chiến thắng” (Gương mặt sư đoàn). Họ là những con người đã sớm tôi luyện để có được một “tinh thần thép”. Họ sẵn sàng đón nhận những gian nan, thử thách với tinh thần kiên cường, bền bỉ. Họ là những chàng trai “thay cả nhà đánh giặc” “Mười tám tuổi ra đi, ánh mắt trong ngời/ Thanh thản lắm như đi vào xưởng máy”. Mặc cho khói lửa chiến tranh, con người vẫn vươn lên để sống với tinh thần bất diệt, khi Tổ quốc cần, họ đã thành dũng sĩ. Tiếng thơ ấy không chỉ trực tiếp góp tiếng nói của mình cho cuộc kháng chiến mà còn gián tiếp cống hiến bằng những lời ngợi ca, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của quân và dân ta trong những ngày đánh Mỹ. Tuổi trẻ Việt Nam trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn là những con người có “Trái tim tươi tắn trẻ trung/ Trái tim chỉ biết cho chưa bao giờ nhận” (Ghi chép ở sân bay Ái Tử). Những con người trẻ tuổi ấy đã đạp bằng mọi phong ba bão đạn làm nên chiến thắng rạng rỡ mùa xuân năm 1975.
Tháng giêng hai và Hương thầm là hai tập thơ ra đời trong mưa bom bão đạn. Ở hai tập thơ này, Phan Thị Thanh Nhàn đã viết về cái chung của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, về cuộc sống lao động chiến đấu của quê hương, đất nước. Dù viết về đề tài gì, Thanh Nhàn cũng luôn cố gắng gắn cảm xúc với tâm trạng, tạo nên chiều sâu của hình tượng. Phẩm chất ấy đã nâng những vần thơ của bà hòa chung vào nguồn mạch thơ giàu sắc thái dân tộc của truyền thống thơ ca Việt Nam. Từ những bài thơ đầu tiên “dịu ngọt chăng tơ” đến Hương thầm, thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã có sự trĩu nặng của tâm hồn.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: