Trong những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, cảm hứng về cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc vẫn còn đằm sâu trong hành trình sáng tạo của Phan Thị Thanh Nhàn. Ba mươi ba bài thơ trong tập Chân dung người chiến thắng trở đi trở lại trong dòng cảm hứng này. Đấy là niềm vui, là sự tự hào sâu sắc đối với những chiến công của quân dân trên cả nước, tiếng thơ Phan Thị Thanh Nhàn muốn hóa thành cánh chim bay khắp Việt Nam “Rót tiếng ca vui xuống mọi miền đất nước”, là tình cảm mến yêu dành cho mảnh đất Hà Nội kiên trung: “Hà Nội hôm nay là Hà Nội mùa xuân/ Những em bé lớn thêm, các cụ già trẻ lại/ Thành phố sống như trong thần thoại”. Đấy là niềm vui say sưa, miên man, là cảm giác bàng hoàng trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc: “Để hôm nay vui đến bàng hoàng/ Ta gặp lại nhau, dẫu qua rồi tuổi trẻ” (Những người yêu). Phan Thị Thanh Nhàn đã rung cảm với những vui buồn của nhân dân, tiếng thơ bà ào ạt tuôn chảy trong giai điệu hào hùng của ngày toàn thắng: “Đêm hè quen bỗng hóa khác thường/ Náo nức quá không làm sao ngủ được” (Ngày thống nhất).
Đi từ mình để cuối cùng đến với cuộc sống chung đó là hướng đi phổ biến của những người cầm bút thời chiến tranh. Phan Thị Thanh Nhàn cũng đi theo hướng ấy. Từ tập thơ đầu tay đến Chân dung người chiến thắng (1977), Phan Thị Thanh Nhàn đã làm một cuộc hành trình tìm đến những vấn đề lớn lao của dân tộc. Tuy nhiên, đến thời đổi mới, tư duy thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng nhanh chóng hòa nhập với tư duy thơ đương đại.
Năm 1987 với sự ra đời của tập thơ Bông hoa không tặng đánh dấu sự chuyển mình trong hành trình thơ của Phan Thị Thanh Nhàn. Trở về với muôn mặt đời thường, Phan Thị Thanh Nhàn nhanh chóng nhận ra diện mạo của cuộc sống từ những đổi thay, biến động. Đồng thời, nhà thơ cũng sớm nắm bắt những mối quan hệ của con người, đặc biệt là con người cá nhân. Bà luôn tự đối diện với bản thân mình và càng lúc bà càng có nhu cầu thể hiện cái tôi riêng tư của mình. Vì thế, trong Bông hoa không tặng, bên cạnh những bài thơ về quê hương đất nước: Động Hoa Lư, Đêm Rạch Gía, Thị trấn Xuân Mai, Ninh Bình…về tình cảm gia đình, về mẹ: Ngày sinh, Làng quê…; về đứa em trai đã hy sinh khi lời yêu còn chưa kịp ngõ: Em tôi; về con gái: Con mười lăm tuổi, Lời con…là những bài thơ mà Phan Thị Thanh Nhàn quay về trò chuyện với trái tim mình. Ở tập thơ này, nhà thơ thực sự đi vào chiều sâu của cõi riêng tư. Đọc Bông hoa không tặng, dễ nhận ra những trăn trở day dứt của nhà thơ về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Tập thơ là lời tâm tình, thủ thỉ của người phụ nữ lắm đắng cay, nhiều mất mát trong đời tư. Tất cả những diễn biến của tâm trạng, những cung bậc của tình cảm ẩn giấu bên trong trái tim đều được người phụ nữ ấy phơi bày, trải rộng ra trên từng trang thơ. Thật không khó để nhận mặt người phụ nữ đang cô đơn, giãy giụa trong không gian mênh mông trống trải của cuộc đời. Đó cũng chính là nỗi niềm của tác giả.
Căn phòng vắng một người
bỗng trở nên trống rỗng
…
Bữa ăn vắng một người
tìm đâu ra mùi vị
…
thành phố vắng một người
đường không ai dạo chơi…
(Một người)
Một người là con số ít ỏi so với hàng tỉ người đang tồn tại trên trái đất, nhưng với riêng chủ thể trữ tình trong bài thơ, “một người” là tất cả. Cũng chính vì thế mà khi “một người” ấy vĩnh viễn ra đi là đồng nghĩa với cảm giác chới với, trống trải, vô nghĩa của người ở lại.
Trong suốt tập thơ, người đọc có cảm giác Phan Thị Thanh Nhàn đã trải nghiệm đủ mọi cung bậc, trường đoạn của hạnh phúc, của đớn đau, mất mát. Qua các bài thơ Không đề (có đến hai bài có nhan đề là Không đề trong một tập thơ - cả hai bài đều gây ấn tượng ở người đọc bởi sự bền chặt, vững chãi của tứ thơ), Con đường, Không chắc chắn, Đám cưới của em…ta bắt gặp sự trở đi trở lại tâm trạng cô đơn của chủ thể trữ tình. Nhạy cảm với cô đơn, người con gái đang yêu trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn thường lo sợ đổ vỡ. Có thể nói, trong Bông hoa không tặng, chủ thể trữ tình đã độc bộ trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Tuy nhiên, điều đáng quý ở hồn thơ ấy là dẫu có những ngọt bùi, đắng cay, nhưng bà vẫn tin tưởng, hy vọng và nhỏ nhẻ khuyên nhủ “Xin đừng hóa đá đăm đăm/ Hãy tìm nhau giữa tháng năm, giữa đời” (Với nàng Tô Thị).
Rõ ràng, Bông hoa không tặng đã có những chuyển biến đáng kể về đề tài, giọng điệu và tư duy thơ. “Từ chỗ là những ca sĩ ngợi ca đất nước và nhân dân bằng cái nhìn sử thi và cảm hứng lãng mạn, giờ đây các nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm” [5 – tr.31]. Tư duy thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng vận động theo chiều hướng chung ấy, đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của người đọc.
Tập thơ Nghiêng về anh (1992) là sự tiếp nối mạch thơ viết về tình yêu của Phan Thị Thanh Nhàn. Vẫn là nỗi cô đơn thường trực trong trái tim người đàn bà khát yêu, nhưng ở tập thơ này ta thấy Phan Thị Thanh Nhàn đã lùi sâu hơn vào tiềm thức, thức nhận những giá trị nhân bản bằng sự chiêm nghiệm của một con người từng trải. Không giấu diếm những lo âu, trăn trở, nhưng không vì thế mà Thanh Nhàn vơi cạn niềm tin: “Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau/ tôi vẫn còn yêu đời quá !” (Yêu đời). Cuộc sống dù tồn tại đan xen giữa xấu và tốt, giữa đớn hèn và cao cả…thì niềm tin vào cuộc sống vẫn nồng nàn trong trái tim thi sĩ. Trong tập thơ, Phan Thị Thanh Nhàn còn dành những lời tri ân mộc mạc, chân thành đến những bạn đọc yêu quý của mình (Cảm tạ). Nhìn lại chặng đường sáng tác ngót hai mươi năm, Phan Thị Thanh Nhàn đã bùi ngùi nhận ra “thơ mình mình đọc câu nào cũng thương” [34 - tr.61].
Năm 1999, Phan Thị Thanh Nhàn xuất bản tập Bài thơ cuộc đời. Với 44 bài thơ trong thi phẩm, bà đã gửi vào đó những xúc cảm về cuộc đời và con người. Dọc theo dải đất hình chữ S, đi đến đâu Thanh Nhàn cũng gửi chút tình cho quê hương: Buổi sớm Hạ Long, Huế mưa, Vườn mặt trời quả mặt trăng, Vũng Tàu, Bảo Lộc, Thăm Vạn Lý Trường Thành…và cho tình yêu: Mơ, Biển vắng, Yêu, Viếng mộ, Bầu trời thuở ấy, Thổ lộ…Tập thơ vẫn là nỗi lòng của người phụ nữ luôn mang trong mình những khát khao được giao cảm, được thấu hiểu và có cả sự kiếm tìm, lắng đợi song giọng thơ ở đây đã có phần từng trải, mang tính chất chiêm nghiệm nhiều hơn, có lẽ bởi những va vấp từ cuộc sống mà nhà thơ đã trải qua. Vẫn viết về tình yêu – một đề tài thường trực trong thơ – nhưng cái nhìn của Thanh Nhàn về tình yêu ở tập thơ này trở nên độ lượng và có sự thấu hiểu sâu sắc. Vẫn viết về người yêu đấy mà giọng thơ cứ nhẹ bẫng như không: “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê!”(Thơ một câu trong nhật ký). Theo dòng chảy thời gian, những mất mát đau thương ở Thanh Nhàn đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho niềm vui được hòa mình vào hạnh phúc chung giữa đời thường. Bà ru vỗ nỗi buồn của mình bằng cách “xóa nỗi buồn chỉ giữ lại niềm vui” [32 – tr.58].
Từ tập thơ đầu tay Tháng giêng hai đến Bài thơ cuộc đời là một quá trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi của Phan Thị Thanh Nhàn. Mỗi tập thơ mang một dấu ấn riêng, thể hiện những vui buồn, trải nghiệm của một người phụ nữ khao khát sống, khao khát yêu và thành thật đến tận cùng với mọi cung bậc cảm xúc của mình.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: